Hiện nay, ước tính đã có tới 30 thể loại ảnh, trong đó có loại rất cổ như ảnh phong điền, chân dung, thể thao, thời trang, kiến trúc,… loại ra đời trung kỳ như ẩm thực, gia đình, trên không, dưới nước, sự sống hoang dã,… và mới hơn như ảnh tối giản, ý niệm, micro, khoa học, cưới hỏi, trẻ em, thú cưng, vật dụng… Phần lớn các thể loại mới đây đều xuất hiện từ 30 đến 40 năm trước song đã trở thành một sân chơi rộng lớn, cho phép người nghệ sỹ sáng tác tùy hứng về cả nội dung lẫn hình thức, thậm chí người mới vào nghề cũng có các tác phẩm đẹp.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ thích tham gia vào loại hình ảnh nghệ mới, xem chúng như một dạng nghệ thuật thường thức hiện đại. Đầu tiên phải kể tới ảnh tối giản hay ảnh tinh lược. Trào lưu này đã ra đời từ thập niên 70 với mục đích giải phóng tâm trí người xem khỏi những phức tạp, bề bộn của cuộc sống đầy những sự kiện, xúc cảm nặng nề mệt mỏi. Trong ảnh thường chỉ có một vật hoặc một nhóm sự vật nằm nổi bật trên một nền nhẹ nhàng, hoặc có hình dạng, màu sắc, kết cấu, độ tương phản sắc nét khiến cho vật đó thu hút. Nói chung, ảnh tối giản là nghệ thuật của sự đơn giản, sạch sẽ và thanh thoát.Tuy nói là đơn giản song không có nghĩa nội dung của ảnh buồn chán, đơn điệu mà nó vẫn hết sức rực rỡ, sinh động- ở đó cũng có các sự kiện, những câu hỏi và giống như một bức tranh giải trí cao. Để đạt được điều ấy, người nghệ sỹ phải luôn sáng tạo, tư duy từ cách chọn đối tượng và đặt trong các bối cảnh để truyển tải thông điệp. Đó có thể là một chiếc lá bay trong gió, một bụi cây ven sông, một đàn chim đậu trên mái nhà, một người đang đi, một căn hộ, một cái cầu, một chiếc ghế,…
Dưới nước. Ảnh ý niệm của Jenna Martin
Vì chỉ là một vật hoặc một người trong không gian mênh mông, để nó nổi bật người ta thường dùng khoảng trống lớn trên toàn bộ bức ảnh và chỉ chừa một khoảng nhỏ cho vật. Thành thử khi nhìn vào, sẽ thấy ngay đối tượng. Khoảng trống hay dùng nhất là bầu trời xanh bao la, đồng cỏ mơn man, một bức tường rộng, một con đường dài… và đứng bên cạnh hoặc ở giữa khoảng trống ấy là vật cần chụp. Họ cũng thường dùng trường nhìn sâu bằng cách mở rộng khẩu độ tách vật ra khỏi nền cho sự mông lung, mờ ảo. Việc dùng màu sắc rực rỡ cũng khiến cho vật trở thành ông hoàng hay công chúa lọ lem trong thế giới hình ảnh. Và đặc biệt sự tương phản về màu sắc luôn làm nó bắt mắt. Nhiều người cũng thường chọn đối tượng là các vật thể có góc cạnh nhằm tăng hiệu quả cảm nhận. Thường là các công trình kiến trúc và được phản ánh nhiều là những mái nhà, ống khói, lan can, cửa sổ… Hoặc các vật thể tự nhiên có bề mặt đặc biệt như những chiếc lá khô xoắn xít, những trái quả nứt nẻ, những mỏm đá nham nhở, những lọn cát uốn lượn… Và các đồ vật nhân tạo có hình khối như một cái bàn, một chiếc ô, một mẩu đinh gù,… Con người cũng có thể có mặt cùng phong cảnh song chỉ là một phần nhỏ trong cảnh. Chẳng hạn một cậu bé đang thả diều trên đồng hoang, một ông lão chèo thuyền giữa bến nước, một phụ nữ đi chợ dưới cơn mưa. Mỗi bức ảnh dù đơn sơ, mộc mạc vẫn có thể có tên và mang một câu chuyện. Ví dụ cậu bé đang chạy trên cánh đồng kia sẽ có tên là kẻ mộng du hay tuổi thơ hồn nhiên; bông lau phất phơ trong gió sẽ là thuở hồng hoang hay sự đơn côi. Ảnh nhiều khi trừu tượng mà lại rất thực tế, gần gũi với đời sống.Cũng xuất phát từ việc sắp xếp, có tính chất hư thực hoặc thậm chí viễn tưởng và để truyền tải một thông điệp bắt buộc là ảnh ý niệm.
Cấp cứu. Ảnh ý niệm của Bill Wadman
Thể loại này khác với thể loại trên ở chỗ, nếu như trên người ta chụp chỉ lấy vui và trong nội dung nhiều khi không nói về một điều gì, thì ở ảnh ý niệm nó được xây dựng có mục đích nhằm thông báo về một sự việc chủ quan khiến người xem phải suy ngẫm. Ảnh ý niệm cũng đã có mặt 40 năm song mới chỉ phổ biến gần đây bởi nó cần có những kiến thức về hình khối, không gian cũng như tính nghệ sỹ – khả năng sáng tạo của một chuyên gia đồ họa. Như đã nói, ảnh được dựng để truyền đạt quan niệm, trong đó người và vật được sắp đặt để thể hiện cho các ước mơ, khái niệm hay một hình tượng nghệ thuật do vậy nội dung rất giàu tính chuyện và ngôn từ, nhiều khi là ngôn ngữ của cả bảy môn nghệ thuật cổ điển gồm kiến trúc, mỹ thuật, kịch nghệ… và qua đó hiện thực hóa hoặc đi trước hiện thực. Tùy phong cách mà người nghệ sỹ có thể dùng một vật hoặc nhiều vật thể trong ảnh. Và mỗi thứ đều được nhân cách hóa, mang hình hài, cá tính của người. Đôi khi những hình ảnh không được đẹp mắt, thậm chí ghê sợ song cái quan trọng nhất không phải là những thứ diễn ra trước mặt mà là những ý nghĩa ẩn sâu đằng sau và người ta chỉ dùng các đường nét, màu sắc, hình dạng nhằm thể hiện nó. Mỗi bức ảnh giống như một bộ phim tua chậm, và nhân vật hiện lên từ từ với các cử chỉ, rung cảm và tư tưởng. Vì là tác phẩm của sự dàn dựng nên ảnh ý niệm rất phong phú; tùy sức sáng tạo, điều kiện và thời gian mà mỗi người có thể sáng tạo hàng trăm bức mỗi tháng. Chẳng hạn bằng việc dùng một cái cặp áo lớn thẳng đứng, buộc hai bên những sợi dây nối xuống đất và vào các cặp áo nhỏ khác, người ta muốn nói đến việc xây dựng một tượng đài hay việc kẻ yếu có thể thắng kẻ mạnh- kiến có thể kéo đổ một con voi. Hoặc dùng 10 mẩu bút chì cho lồng vào nhau ở thế chắp tay để nói đến sự nguyện cầu hay sự chờ đợi, mong mỏi. Tương tự, xếp một loạt ma nơ canh nam lẫn nữ mặc áo sặc sỡ thành hàng để nói đến sự bù nhìn, phù phiếm của cuộc sống khi mà nhiều người chỉ là những con rối đặt đâu đứng đó, cho mặc gì là tùy ý ông chủ. Là một thể loại ảnh nghệ thuật, song ảnh ý niệm cũng đang bước vào lĩnh vực thương mại, phục vụ trong công việc giới thiệu thương hiệu và sản phẩm có hiệu quả rất cao, chiếm được sự chú ý của nhiều người do nội dung và cả hình thức độc đáo.Không chỉ cần sự đam mê mà còn cả thiết bị ghi hình hiện đại để đi sâu vào thế giới vi sinh vật, đó là ảnh micro. Xuất phát từ ảnh phóng đại từ lâu đã quen thuộc với những người chụp hoa cỏ, côn trùng song ảnh micro lại có khả năng đặc tả những sinh vật nhỏ bé hơn nữa gồm các thế giới nấm, tảo, địa y, vi khuẩn bé bỏng chỉ như hạt cát- một vương quốc mà bằng mắt thường ta không thấy được.
Chuyến phiêu lưu của Jane. Ảnh ý niệm của Wilson Kellie
Để chụp được ảnh micro, người nghệ sỹ thường phải dùng ống kính giống như kính hiển vi và kỹ thuật tương tự kính thiên văn. Nhờ ống kính phóng đại, người ta có thể phóng to một vật lên gấp vài chục, vài trăm lần. Ảnh micro giống như một con mắt thứ ba khám phá cấu trúc cơ bản của vũ trụ làm nên vẻ đẹp và sự đa dạng của cuộc sống. Qua ảnh micro, có thể tìm hiểu, nghiên cứu về cả sinh vật lẫn các kết cấu, hạt vật chất như các con mắt của sâu bọ, các sợi lông tơ của chúng, hoa lá của nấm tảo, các tinh thể đất đá, các vi mạch trong máy móc, các làn sóng mini…
Tuy nhiên, thể loại này cũng rất khó. Một thử thách lớn nhất của ảnh micro là phải có đủ sáng cho đối tượng do ánh sáng thường bị mất khi dùng các ống kính phóng đại, phóng càng to thì trường nhìn càng giảm và vì thiếu sáng nên phải lắp thêm hệ thống đèn flash biên đôi hoặc đèn vòng, cho phép chụp tốc độ nhanh, khẩu độ nhỏ, trường nhìn sâu các cử động hay biến đổi sinh hóa. Vì sự phì nhiêu như vậy, nhiếp ảnh đang trở thành một nghệ thuật của mọi người. Bằng việc tìm tòi và tiếp cận các ý tưởng hàng ngày, các bạn trẻ đã và đang góp phần tạo thêm nhiều trào lưu mới, với mỗi người lại có một phong cách riêng. Việc tạo nên thể loại và phân chia thể loại vừa là một thú vui vừa là một nhiệm vụ của người yêu ảnh cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật khám phá những bí ẩn của cuộc sống. Trên thế giới đã có rất nhiều nghệ sỹ thành danh về các thể loại ảnh mới mẻ này.
Mức sống cao. Ảnh ý niệm của Chris Clor
Phát hiện. Ảnh ý niệm của Stephen Criscolo
Chẳng hạn về ảnh tối giản, có những gương mặt như Anna Xenitelis, Anne McKinnell, Evgeniya Muraveva, Danielle Samson, Giampaolo Macorig, Hengki Koentjoro, Hossein Zare, Jen Hook, Mark Whitney, Matt Crump, Laura Bell, Nora Fliegen, Prakash Ghai, Robin Black, Sanja C… Về ảnh ý niệm có những cái tên như Achmad Kurniawan, Ata Mohammadi, Bill Wadman, Brian Oldham, Brooke Shaden, Chris Clor, David Talley, Frederik Heyman, Jenna Martin, Kylli Sparre, Megan Christine, Rob Woodcox, Stephen Criscolo, Vilde Indrehus, Wilson Kellie,… Về ảnh micro thì quen thuộc là Alexey Kljatov, Andrew Osokin, David Maitland, Deb Morris, Douglas Moore, Harold Taylor, Huub De Waard, Julian Brooks, Ken Ishikawa, Markus Reugels, Philippe Verrees, Tomasz Kozielec…
C.M.C
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 6/2015)