Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một danh họa trong nghệ thuật tranh lụa; Đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1964-1970) khóa III. Ông là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam.
Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21 tháng 7 năm 1892 tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1922 ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc trường Quốc học Huế. Sau đó ở lại dạy học tại trường tiểu học Đông Ba Huế. Năm 1925, Nguyễn Phan Chánh là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng học với Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Georges Khánh (điêu khắc). Năm 1928, ông bắt đầu sáng tác các tranh sơn dầu: “Mẹ bầy cho con đan len”, “Hai vợ chồng người nông dân trục lúa” và cũng năm này ông bắt đầu học vẽ trên lụa Vân Nam và đã thành công. Ông tốt nghiệp năm 1930.
Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa “Chơi ô ăn quan” cùng một số họa phẩm khác như “Cô gái rửa rau”, “Em bé cho chim ăn”, “Lên đồng”. Cũng năm này tại triển lãm Paris, Pháp một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được Giám đốc Victor Tardieu mang về Pháp giới thiệu. Lần đầu tiên công chúng Pháp biết tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh. Họa báo L’Illustration xuất bản ở Paris số Noel 1932 đã giới thiệu 4 bức tranh này của họa sĩ. Một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày ở Milan (Ý) năm 1934, ở San Francisco (Mỹ) năm 1937, ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1940. Sau cuộc triển lãm ở Paris, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam.
Năm 1933, ông tham gia bày tranh ở Địa ốc Ngân hàng Hà Nội và triểm lãm cá nhân lần thứ nhất ở Hà Nội. Năm 1935, ông tham gia triển lãm do Hội Chấn hưng Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI) tổ chức lần thứ nhất tại Hà Nội. Năm 1938, ông tham gia triển lãm do SADEAI tổ chức lần thứ 2 tại Hà Nội, cũng năm nay ông tổ chức triểm lãm cá nhân lần thứ 2 tại Hà Nội với các tác phẩm tiêu biểu: “Đôi chim bồ câu”, “Chăn trâu trong rừng”, “Đi chợ”, “Tắm cho trâu”, “Đi lễ chùa”. Năm 1939, tại quê ông đi vẽ ảnh “Đền làng”, “Cầu ao”, “Xóm Chài”, “Hui thuyền”, “Thuyền đánh cá”, và cũng trong năm đấy Nguyễn Phan Chánh gửi sang Pháp những tranh cỡ lớn “Mùa đông đi cấy”, “Chim sổ lồng”, “Chị em đùa cá”, “Công chúa hoa dâm bụt” cùng một số tác phẩm khác.
Sau Cách mạng tháng 8, Nguyễn Phan Chánh là Ủy viên Thường vụ Hội Văn hóa Cứu quốc của tỉnh. Trong thời gian này ông đã vẽ hình của rất nhiều các lãnh tụ và các chiến sĩ cộng sản: Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú. Trong chín năm tham gia kháng chiến, họa sĩ đã vẽ tranh tuyên truyền cổ động: “Em bé tẩm dầu”, (1946), “Phá kho bom giặc” (1947), “Lội suối”, (1949).
Năm 1955, Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội, làm giảng viên hội họa Trường Đại học Mỹ thuật trong vài năm. Năm 1957, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá I. Năm 1962, ông là Đại biểu Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III.
Nguyễn Phan Chánh sáng tác tác phẩm đầu tiên về đề tài kháng chiến chống Mỹ, “Sau giờ trực chiến” (1967), tiếp đó là “Trăng tỏ” (1968), “Hạnh phúc” (lụa, 1968), “Chiều về tắm cho con” (1969), “Trăng lu” (lụa, 1970), “Tiên Dung và Chử Đồng Tử” (1973). Trong những ngày máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, phòng tranh mừng họa sĩ 80 tuổi vẫn được mở tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó bày tại 10 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Năm 1973, Nguyễn Phan Chánh sáng tác những tác phẩm cuối cùng về đề tài tắm: “Tiên Dung tắm”, “Tiên Dung và Chử Đồng Tử”, “Lội suối” và bức sau cùng là “Kiều tắm”. Năm 1974, ông dự triển lãm tranh tượng về đề tài lực lượng vũ trang với tác phẩm “Sau giờ trực chiến” (lụa).
Tháng 8 và tháng 9 năm 1982, mừng thọ họa sĩ 90 tuổi, Bộ Văn hoá Việt Nam cùng Bộ Văn hoá Tiệp Khắc, Bộ Văn hoá Hungary tổ chức triển lãm 47 tác phẩm của các thời kỳ sáng tác của Nguyễn Phan Chánh tại Praha, Bratislava, Budapest, Bucharest. Tháng 7 năm 1983, phòng tranh Nguyễn Phan Chánh được trưng bày tại Viện Bảo tàng Phương Đông ở Moskva.
Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 1984 tại Hà Nội và được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Theo wikipedia