Mình biết về họa sĩ Nguyễn Thanh Bình lần đầu tiên là thông qua cuốn sách TRÁI TIM ĐÀN BÀ. Cuốn sách đó được viết bởi cây viết mà mình rất mến mộ, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, và được họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho phép sử dụng tranh của anh để in kèm trong sách. Nội dung cuốn sách và tranh của anh Bình, có thể nói là, sao nhỉ, thực sự “hòa quyện” vào nhau!
Hai hình tượng chính trong tranh của Nguyễn Thanh Bình chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Khi mình xem tranh của anh ấy, mình luôn luôn cảm thấy một sự dễ chịu rất khó tả. Tranh của anh Bình có một cái gì đó rất tịch mịch, sâu lắng, nhẹ nhàng và giàu tình cảm – đặc biệt là ở những bức vẽ mẹ và con. Mình xem những bức tranh mẹ bồng con, mẹ cho con bú, em bé yên lành ngủ trong lòng mẹ, em bé nằm chơi với mẹ mà thấy yêu quá đỗi.
Mình còn thích cả những bức mà anh Bình vẽ nữ sinh – chao ôi là đẹp! Các cô ấy không bao giờ để lộ mặt, thường người xem sẽ chỉ nhìn thấy mái tóc dài đến lỡ ẩn hiện sau vành nón lá; hoặc nếu không đội nón thì các cô cũng sẽ quay đi chứ chẳng bao giờ chịu nhìn ai. Có một điều mà mình mê nữa ở chủ đề Nữ sinh là anh Bình thường xuyên vẽ áo dài màu – nhưng dẫu là những màu rất tươi, như đỏ, hồng san hô, hồng cánh sen, xanh ngọc bích, hay vàng – lên tranh của anh Bình vẫn luôn mang một sắc thái mơ màng dịu mắt.


Có lẽ vì anh Bình có một cô con gái là Nghệ sĩ múa Ballet, nên chủ đề các vũ công Ballet cũng được anh ấy yêu thích và vẽ rất nhiều về nhân vật này. Cuối cùng, là hình tượng Trẻ em. Trẻ em trong tranh của Nguyễn Thanh Bình xuất hiện chủ yếu ở hai hoàn cảnh: một là bên cạnh mẹ (và nhất định là đang được mẹ chăm sóc), hai là khi các em đang đùa chơi. Hai hoàn cảnh mà các em cho thấy rõ nhất sự ngây thơ, trong trẻo, cảm giác non mềm và ưa nương tựa của tuổi đó.Lược qua một lượt, có lẽ đã đủ để bạn thấy hình ảnh người phụ nữ chiếm vị trí quan trọng đến thế nào trong tranh của Nguyễn Thanh Bình. Trong mắt mình, người phụ nữ của tranh Nguyễn Thanh Bình thật là nữ tính, thật là mềm mại, thật là gợi cảm, nhưng con người cô hẳn cũng ẩn giấu nhiều u tình, nên luôn có cảm giác người phụ nữ trong tranh đang chìm sâu vào một thế giới nào đó của riêng cô…

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình khá chăm trả lời phỏng vấn, bạn search trên Google sẽ tìm thấy nhiều bài phỏng vấn của anh. Cá nhân mình, vì công việc, cũng đọc khá nhiều bài phỏng vấn của anh Bình, nhưng mình nhớ nhất là họa sĩ kể chuyện rằng ngày xưa anh đi bộ đội, có một lần hành quân ngang qua một rừng café đang độ ra hoa. Nhưng điều đáng buồn là khu đó vừa mới bị giặc càn quét, nên ngổn ngang dưới những gốc café là xác người và máu. Anh nói với người phỏng vấn là hình ảnh những xác phụ nữ la liệt giữa rừng café đang nở hoa trắng đó luôn ám ảnh anh, khiến anh không bao giờ còn muốn nhớ lại. Có lẽ tranh của Nguyễn Thanh Bình luôn có xu hướng né khỏi những gì quá trực diện và bạo liệt là vì thế.
Xin phép đăng kèm một vài bức của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình mà mình thích nhất. Hy vọng sự dịu dàng này có thể làm buổi trưa nắng gắt êm ái đi vài phần.
Theo Trang Hoàng (Mê Tranh)