Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung là tài năng xuất sắc của hội họa Việt Nam hiện đại. Ông đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2000. Nguyễn Tiến Chung thường sáng tác về người nông dân, nông thôn, thiếu nữ, bộ đội, công nhân Việt Nam bằng phong cách Á Đông sâu đậm.

Nguyễn Tiến Chung sinh ngày 8 tháng 8 năm 1914, quê ở Ước Lễ, xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội. Hồi học tiểu học, ông nhận vẽ tranh cây, cỏ để minh hoạ cho bài giảng. Về nhà, tâm hồn cậu bé Nguyễn Tiến Chung suốt ngày mơ tưởng tới những giá vẽ, bút vẽ, đến những tuýp sơn dầu đặc quánh. Không có tiền mua đồ vẽ, cậu đã dùng một thứ bột quét vôi trộn lẫn với bột nếp để làm màu, dùng những mẩu tre đập dập làm bút. Thế nhưng chính những bức tranh thuở ban đầu mộc mạc ấy lại nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của bè bạn thầy cô và từ đó đã khuyến khích cậu thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936.
MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU:
- Được mùa (tranh lụa, 1958)
- Mùa gặt (tranh lụa, 1962)
- Chợ Nhông (tranh khắc gỗ màu, 1958)
- Phong cảnh Sài Sơn (tranh khắc gỗ màu, 1970)
- Nữ dân quân trao đổi kinh nghiệm bắn máy bay (tranh sơn dầu, 1971).
HUÂN, HUY CHƯƠNG, GIẢI THƯỞNG
- Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
- Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam
- Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật tháng 8 năm 1946
- Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật năm 1971
- Giải A Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc năm 197
- Giải thưởng Đồ hoạ Quốc tế tại Cộng hòa dân chủ Đức năm 1976
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II.
Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XI (1935 – 1940) lúc 26 tuổi. Cùng bao thanh niên nghệ sỹ tài hoa bay bổng như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân… thời tiền chiến lãng mạn “Hồn bướm mơ tiên”, ông rất thành công ở những bức vẽ thiếu nữ thị thành, yểu điệu, xinh tươi, tà áo dài bay lượn trên cánh đồng vàng rực, cảnh thần tiên mộng ảo hoa lá, mây chim, những ngôi chùa cô tịch, hoài vọng về một quá khứ xa xôi trong cổ tích.






Say mê nghiên cứu và tái hiện bằng hội hoạ các di tích đình chùa, trang trí, điêu khắc dân gian, Nguyễn Tiến Chung đã từ rất sớm hình thành ý niệm về một nền nghệ thuật dân tộc. Bài thi tốt nghiệp – bức tranh Mùa gặt (1939) – và tiếp đó là hai tác phẩm đoạt giải cao nhất tại Triển lãm mỹ thuật tháng Tám (1946): Dưới gốc bồ đề và Chải đầu bên hồ, tất cả đều trên chất liệu lụa, là những thành công đầu tiên đã hướng ông đi sâu vào loạt đề tài phản ánh đời sống thực phong phú. “Đề tài nông thôn đã cuốn hút tôi” – Sinh thời ông tự sự – “Hằng năm, cùng với học sinh vào những dịp hè chúng tôi về nông thôn cả ngày ở ngoài trời, giữa cánh đồng, tôi đứng bên giá vẽ da rám nắng mặt trời để ghi chép những con người cần cù, một nắng hai sương, phong cảnh thanh bình, dân dã. Mỗi một động tác, tư thế của người nông dân trong sản xuất, mỗi dáng con trâu con bò kéo cày những thửa ruộng phủ đầy mạ non giống những tấm thảm nhung, những bóng tre phản chiếu ánh mặt trời, những mái cong ngôi đình, sự thay đổi nhiều hình nhiều vẻ đó tôi đã ghi lại…”.
Họa sỹ Nguyễn Tiến Chung mất năm 1976 do bệnh hiểm nghèo. Ông sống 62 năm trong cuộc đời không bình yên, có năm tháng vui tươi hạnh phúc, những gian khổ thiếu thốn trong chiến tranh, nhưng niềm vui sáng tạo như ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim đam mê, nhân hậu. Ông sống hết mình với người dân cần lao, hơi thở của sự sống cứ phập phồng trong những tác phẩm của ông. Nguyễn Tiến Chung đạt tới được điều mà bất kỳ họa sĩ nào cũng ao ước: dân tộc và hiện đại, sự nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, quan trọng hơn cả là sự giản dị, sâu sắc, làm nên dấu ấn một danh họa.
Redbrick Art Space tổng hợp