Bước vào nghề từ những năm 1980, cho đến nay sẽ không sai khi nói, Đặng Xuân Hòa là một trong những họa sĩ “đắt giá” cả về mọi nghĩa. Cái tên Đặng Xuân Hòa liên tục có mặt ở các triển lãm hay sự kiện đấu giá lớn trong và ngoài nước. Từ năm 2005, tranh của họa sĩ đã góp mặt trong nhiều phiên đấu giá của các nhà đấu giá nghệ thuật nổi tiếng thế giới như Sotheby’s, Christie’s, Borobudur, Larasati…
Năm 2008, họa sĩ Đặng Xuân Hòa giữ vị trí thứ 12 trong Top 30 nghệ sĩ bán tranh đắt giá nhất Đông Nam Á (tổng kết từ hai nhà đấu giá Sotheby’s và Christie’s) và Top 10 của nhà đấu giá Larasati (phần đấu giá nghệ thuật Đông Nam Á đương đại) tại Amsterdam, Hà Lan. Không những vậy, tranh của Đặng Xuân Hòa còn được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật quốc gia của Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Sinh 1959, tại Nam Định, Đặng Xuân Hòa nổi trội trên thị trường bởi phong cách biểu hình siêu thực (surrealistic figure), rồi biểu hiện (expressionism) và sau này là trừu tượng (abstractism). Biểu hiện của ngôn ngữ trừu tượng trong tranh Đặng Xuân Hòa thông qua khả năng truyền tải cảm xúc qua sự biến hóa của sắc độ màu, gợi tính đa chiều. Chính điều này giúp tạo ra nét cọ riêng của họa sĩ Đặng Xuân Hòa trong dòng chảy tạo hình mỹ thuật Việt Nam đương thời.
Trừu tượng trước nay vốn là một trong những trường phái thách thức với bất cứ một họa sĩ nào. Trải qua nhiều thử nghiệm, họa sĩ Đặng Xuân Hòa đã dần dà chọn trường phái hội họa trừu tượng là một trong những lối đi của mình vào thời gian sau này. Đây cũng là trường phái giúp Đặng Xuân Hòa định danh trong giới hội họa với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn về sáng tạo mỹ thuật.
Từ những năm 1990 của thế kỷ trước, nổi danh với cá tính sáng tạo, cái tên Đặng Xuân Hòa đã được giới chuyên môn đánh giá là một nghệ sĩ có bản năng hội họa mạnh mẽ. Lối vẽ của Đặng Xuân Hòa mang đến cho người xem cảm giác ngẫu hứng trong từng đường họa, ít cân nhắc trong việc sắp đặt bố cục.

Thoạt nhìn, sẽ cảm thấy hỗn độn trong việc sắp xếp chi tiết, thậm chí là bóp méo tạo hình trong nét vẽ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong một không gian phi trật tự kết hợp với khả năng phối màu có sức gợi lại thấy ẩn sâu trong đường nét tạo hình thô mộc một phần hồn mà họa sĩ bê từ ngoài đời thực vào trong tranh của mình.

Điều này hoàn toàn dễ lý giải khi những năm 1980 là giai đoạn rất khó khăn về kinh tế, xã hội. Hiện thực đời sống lúc đó bước vào tranh của Đặng Xuân Hòa một cách có chiều sâu dưới những nét cọ có sức gợi về sự “gập ghềnh” của số phận con người. Điều này được đặc tả rõ nét qua những tác phẩm chân dung của Đặng Xuân Hòa.

Cho đến thời điểm hiện tại, khi trải lòng về quá khứ với nghề, họa sĩ Đặng Xuân Hòa vẫn giữ cho mình một thái độ trân trọng với sự lựa chọn của cuộc đời mình: “Đối với tôi, đến giờ phút này có thể nói nghệ thuật là đời sống của thế hệ chúng tôi. Chúng tôi đã có một thời trẻ, thi vào các trường mỹ thuật, học và ra trường trong thời kỳ rất khó khăn. Chúng tôi không biết làm nghề gì, ngoài việc yêu nghệ thuật và đến tận bây giờ, theo đuổi có thể nói là hơn 40 năm. Có niềm vui, có khát khao và có cái dường như là số phận trong đó, số phận đã đặt mình đeo đuổi nghệ thuật dù thế nào thì vẫn theo đuổi nó. Vẽ cái gì, làm cái gì, đề tài nào, vẽ ở đâu, vẽ lúc nào… thì nó vẫn phải mang phần hồn. Đó chính là nghệ thuật mà tôi theo đuổi từ trước đến giờ” – họa sĩ bộc bạch.

Trước thời kỳ Đổi mới, mỹ thuật Việt Nam chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng sâu đậm. Cho đến thời Đổi mới, ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng mới thực sự chấm dứt nhờ thế hệ nghệ sĩ trẻ, trong đó Đặng Xuân Hòa là một đại diện tiêu biểu.
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1983, họa sĩ Đặng Xuân Hòa ra trường vào giai đoạn khởi nguồn Đổi mới, sự giao lưu quốc tế mở ra cơ hội cho thế hệ nghệ sĩ bấy giờ được tiếp xúc với dòng chảy sáng tạo nghệ thuật thế giới.

Đặng Xuân Hòa cho rằng, đây là may mắn khi bắt gặp được thời đại, được đi các nước châu Âu, châu Mỹ, được chứng kiến những điều mới mẻ từ thế giới bên ngoài so với kiến thức học thuật bài bản ở trường mỹ thuật. Từ đó thúc đẩy họa sĩ càng ngày càng phải thay đổi, tìm được cái gì gần mình nhất, là của mình để thể hiện. Đó là cái riêng của mình, không thể hòa lẫn với thế giới, có thể hòa hợp, hòa đồng nhưng không bao giờ hòa lẫn.
Theo TTVH